Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Vì sao làng gốm Hương Canh chỉ còn là cái tên


Làng gốm Hương Canh thuộc huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) từ cách đây 300 năm đã nổi tiếng là trung tâm sản xuất gạch, ngói “khổng lồ” của cả miền Bắc. Lúc nào, làng cũng như một đại công trường; khói tỏa mù mịt quanh năm suốt tháng… Thế mà bây giờ, cả cái công trường gạch, ngói này bỗng nhiên “khai tử” bởi một lý do đơn giản: Không còn một tấc đất nguyên liệu để sản xuất, phải đi “đong” từng cục đất.
    Anh Nguyễn Tất Viên và lò gạch cuối cùng ở làng Hương Canh nổi tiếng.

Bước vào Hương Canh bây giờ, đâu cũng chỉ là những lò gạch nằm lạnh ngắt. Bói mãi không ra một cái lò còn đỏ lửa. Gương mặt người làng Hương Canh đầy nuối tiếc. Ai cũng có thể say sưa kể về một “thời vang bóng” nhưng họ đều nhận ra rằng, khó có cơ hội quay trở lại cái giai đoạn hoàng kim nữa.
Ông Nguyễn Thanh, 61 tuổi, ở xóm Lò Cang, người đã có mấy chục năm gắn bó với những lò gạch, lò ngói, kể rằng ngói Hương Canh đã nổi tiếng từ 300 năm trước. Ngói lợp đỏ hồng khắp các mái nhà, tổ ấm. Ngói trùm lên cả đình làng. Hết bán gần rồi lại bán xa. Ngói còn được đưa lên tàu, xuôi nước sông Hồng ra biển, ngược tận Vân Đồn (Quảng Ninh), vào tận Nghệ An, Hà Tĩnh. Hương Canh đã trở thành một thương hiệu mà nhiều làng làm ngói khác chỉ cần nghe tên là “kính nể”. “Nhưng bây giờ, Hương Canh chỉ còn lại là cái tên thôi”, ông trầm ngâm, nuối tiếc.
Ông còn kể, cho đến những năm đổi mới, hàng trăm hộ gia đình ở Hương Canh vẫn còn nung ngói theo hình thức hợp tác xã. Sau đó, mô hình hợp tác xã ngói tan vỡ, người ta lại ôm ngói về nhà mở lò riêng. Cho đến cách đây chừng 12-13 năm thì ngói trở nên lép vế, nhưng người Hương Canh đã nhanh chóng quay sang đóng gạch xây dựng và cứ thế ăn nên làm ra.
Nhờ được cơ chế thị trường tiếp sức, gạch nung bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Bởi thế, chỉ trong một thời gian ngắn, từ hàng chục lò gạch được nhân lên hàng trăm lò gạch. Rồi sự thịnh vượng cũng chỉ được chừng vài năm thì hàng loạt chủ lò gạch lại đứng trước một bài toán rất nan giải, đó là đất nguyên liệu cứ bị khoét, đào, sấn mãi dẫn đến không còn một thước đất để làm gạch nữa.
Số lượng lò gạch xuất hiện quá nhiều, quá nhanh trong khi quỹ đất lại chỉ có hạn, quy hoạch thì không hề có. Không còn cách nào, nhà nhà phải tính đến nước đi sang các làng, xã ở lân cận để mua đất về đóng gạch. Nhưng rồi, đến lượt các làng, xã khác cũng không còn đất để làm gạch, dần dần đã dồn hàng loạt hộ dân vào một tình thế không thể khác là phải “giã từ lò gạch”.
Đi từ đầu làng đến cuối làng, hỏi han mãi, cuối cùng chúng tôi mới tìm được một chủ hộ còn làm gạch. Đó là gia đình anh Nguyễn Tất Viên, 48 tuổi, ở xóm Đống Mước. Anh khẳng định: “Cách đây 10 năm, ở Hương Canh đã có tới 600 hộ mở lò làm ngói, làm gạch. Thế nhưng bây giờ, ngói hầu như không còn một lò nào nữa. Gạch thì còn đúng một lò nhà tôi”.
Có lẽ, không hoạt động nào “ăn” đất cát tốn kém như làm gạch, ngói. Từng vạt ruộng, bờ ao cứ bị “gặm” dần. Ban đầu, người ta tranh thủ “gợt” lớp đất ở mặt ruộng để làm gạch. Dần dần, ruộng cũng thành ao, hố. Cả làng, đâu cũng chỉ toàn ao, hố. Hết ruộng, người ta “móc” đến vườn.
Dẫn chúng tôi ra khu vườn nhỏ trước nhà, nơi 4 vạn viên gạch mộc đang xếp phủ kín lối đi. Chỉ xuống 2 cái ao cuối vườn, anh Viên bảo: “Hai cái ao kia cũng vì khoét đất làm gạch mà thành. Khoét sâu quá rồi thì không thể khoét thêm được nữa”.
Do không có đủ đất, nên cái lò gạch cuối cùng của anh ở làng Hương Canh cũng chỉ mỗi năm một lần đỏ lửa. Trỏ vào cái lò, anh bảo: “Nếu có đủ đất thì tôi có thể đắp thêm 4-5 cái lò như thế nữa. Giờ làm gạch rất có lãi. Nhưng không có đất, phải đi “ăn đong” từng cục đất, làm ăn thất thường, thu nhập thất bát”.
Cách đây 2 năm, trong làng vẫn còn khoảng 20 nhà làm gạch, ngói song ngày ngày, bà con phải kéo nhau sang tận các xã Sơn Lôi, Quất Lưu, Tân Phong, Tam Hợp… để mua từng xe đất một. Nhưng hiện nay, các xã kể trên cũng không còn đất nguyên liệu. Bởi vậy, bà con phải mua đất “rong”- tức là khi nào có xe ô tô chở đất qua làng thì bà con đổ ra mua về làm gạch. Không có thì lại ngồi chờ!
Gặp chúng tôi ở đầu làng, chị Trần Thị Yên, chừng 50 tuổi, ở xóm Trong, bảo: “Nếu sản xuất gạch thì rất tốn kém đất nguyên liệu. Vì thế chúng em mới dùng để sản xuất ngói. Bây giờ người ta đua nhau xây nhà mái bằng, nhà hộp, nhà lầu… nên chẳng còn mấy ai mua ngói lợp nữa. Tuy thế, mọi năm vẫn túc tắc bán được vài vạn. Nhưng sang năm nay đen đủi quá. Đầu năm giá cả lên cao, người ta đình hoãn xây dựng. Thế là ngói làm ra coi như “đứt” hẳn. Trong nhà em giờ còn đúng 3 vạn ngói, nung từ tháng 4 vừa rồi, mà chưa bán được viên nào”. Chị tính, 3 vạn ngói có trị giá khoảng 15 triệu đồng là một món tài sản lớn của nhà nông.
Không còn cách nào cứu vãn, người làng đành quay lưng lại với ngói, gạch. Chị vợ anh Viên còn kể: “Nhìn giá gạch tăng vù vù đợt đầu năm mà bứt rứt tay chân lắm, nhưng không có đất thì biết làm sao được”.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Sản- Chủ tịch UBND thị trấn Hương Canh. Hỏi tại sao xã không quy hoạch một khu để bà con có đất sản xuất gạch? Ông than thở: “Phần lớn đất đã và đang được tỉnh quy hoạch, thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp. Quanh đây, giờ khu công nghiệp đã bao vây kín. Trong khi đó, có chỗ đất nào có thể làm gạch thì đã đào bới banh bét cả rồi. Vả lại, thị trấn chỉ còn lại ít đất lúa. Nếu sấn đất lúa để làm lò gạch thì lại không có lương thực. Phải đảm bảo lương thực đã. Bởi thế, đất để sản xuất gạch đang là vấn đề nóng bỏng của địa phương”.
Ông Sản cũng thừa nhận, không có việc làm đang là nỗi lo đè nặng hàng loạt nông dân trong làng. Anh Viên chỉ vào 2 đứa con trai của mình, lo lắng: “Chúng tôi có thể cố gắng chạy vạy cho những đứa như thế này vào làm công nhân, bảo vệ tại khu công nghiệp nhưng còn những người lỡ cỡ như chúng tôi, đi làm cửu vạn thì không đủ sức, vào nhà máy thì thừa tuổi… sẽ không biết sống ra sao?”.
chẳng bù cho Gom su Minh long gì cả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét