Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Thời của những ông chủ trẻ làng nghề gốm Phù Lãng


Những năm 90, cả làng gốm Phù Lãng điêu đứng vì sản phẩm làm ra không bán được. Chỉ đến thời điểm năm 2003, khi hai chàng trai trẻ là Nhung và Thiều tốt nghiệp ĐH trở về làng bắt tay nhau nghiên cứu sáng tạo dòng gốm mỹ thuật, làng nghề mới được hồi sinh.
Một thuở thăng trầm
Cùng với Bát Tràng và Thổ Hà, làng Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng là một trong những làng gốm nổi tiếng vùng Kinh Bắc.
Gốm Phù Lãng nổi tiếng với nước men màu da lươn, trước đây các sản phẩm chủ yếu được sản xuất là đồ dùng trong nhà như: nồi, niêu, chum, nậm rượu… và một số ít các sản phẩm mỹ nghệ như chậu hóa, đỉnh, bát hương. Với đặc trưng nổi bật là màu sành nâu tráng men da lươn với các hoa văn, họa tiết phổ biến như rồng, phượng, lá sen… các sản phẩm đều được làm thủ công với những bí quyết riêng của từng lò.
gom-phu-lang-1nd
Trần Mạnh Thiều đang hoàn thiện sản phẩm trước khi đưa vào lò nung.

Bà Trần Thị Trình kể: “Từ lúc nhỏ đến khi lớn lên đã thấy ông cha gắn bó với nghề làm gốm, những năm 50 đến 70 thế kỷ trước là giai đoạn hưng thịnh nhất của làng nghề. Thuyền bè từ Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên… về lấy hàng lúc nào cũng tấp nập bến sông”.
Đến những năm 80, sản phẩm làm ra bị cạnh tranh mạnh không bán được, nhiều gia đình phải bỏ nghề. Lớp trẻ rời làng ra thành phố tìm việc, chỉ còn một số lò vẫn hoạt động. Từ hơn 300 hộ làm nghề trong những năm 1990, đến năm 2000 chỉ còn lại chưa tới 100 hộ nhưng cũng sản xuất không thường xuyên. Nhiều hộ gia đình chuyển sang nghề vận tải thuê với trên 130 chiếc xe vận tải hạng nặng tham gia vận chuyển hàng hóa trên cung đường Bắc – Nam.
Thời của những ông chủ trẻ
Dọc con đường chính vào làng, có tới hơn chục lò gốm mỹ nghệ trong tổng số 20 lò gốm đang ngày đêm đỏ lửa. Những biển hiệu mang tên gốm: Nhung, Thiều, Tại, Bảy… cũng chính là tên những ông chủ trẻ đang trở thành những thương hiệu được nhiều người biết đến. Vũ Hữu Nhung và Trần Mạnh Thiều là hai gương mặt tiêu biểu cho những ông chủ trẻ ở làng gốm Phù Lãng. Cả hai đều tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật công nghiệp và trở về làng với mong muốn khôi phục nghề truyền thống của ông cha. Mạnh Thiều tâm sự: “Được học và được đi nhiều nơi mình lúc nào cũng trăn trở làm sao để vực dậy nghề gốm ở quê hương mình. Biết anh Nhung cũng có những suy nghĩ giống mình nên khi tốt nghiệp trở về hai anh em đã bắt tay tìm hướng đi mới”.
gom-phu-lang-2nd
Khách hàng đến Phù Lãng luôn lựa chọn được những sản phẩm ưng ý.
Bắt tay vào công việc hai anh em đã gặp rất nhiều khó khăn, không có lò riêng nên thường xuyên phải đốt nhờ các hộ trong làng, còn thiếu kinh nghiệm nên cũng có những thất bại. Nhưng càng làm càng vỡ ra nhiều điều, cùng với sự chỉ bảo của lớp người đi trước, hai anh em đã tìm được hướng đi mới đó là ứng dụng mỹ thuật vào các sản phẩm. Thiều cho biết: “Chi phí cho mỗi mẻ đốt lò trung bình cũng phải 25 đến 30 triệu đồng, nếu không nắm vững kỹ thuật chọn đất, đốt lò… thì cả mẻ gốm phải bỏ đi. Nhưng sau một năm mày mò, hai anh em có thêm rất nhiều kinh nghiệm, sản phẩm làm ra ban đầu còn chưa được nhiều người biết đến nên có hội chợ hay triển lãm là mình mang đến trưng bày. Việc tìm đầu ra cũng rất vất vả, cũng may là thời sinh viên mình đã đi làm thêm ở nhiều nơi nên cũng có nhiều mối để tiếp thị sản phẩm”.
Những sản phẩm mới chủ yếu được ứng dụng trong lĩnh vực trang trí, làm đẹp. Điểm đến của các sản phẩm này là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Thiều cho biết: “Nhu cầu của thị trường này còn rất lớn nhưng yêu cầu về chất lượng cũng như mẫu mã là rất cao. Mẫu mã sản phẩm phải thường xuyên đổi mới và có tính sáng tạo, sự rập khuôn sẽ nhanh chóng bị loại ra khỏi cuộc chơi”.
Từ chỗ các sản phẩm phải đốt nhờ ở các lò xung quanh, đến nay hai ông chủ trẻ này đã gây dựng được xưởng sản xuất riêng cho mình. Hai xưởng sản xuất của Nhung và Thiều tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập trung bình  1 – 1,5 triệu đồng. Nhiều người đi làm công cũng bắt đầu tách ra làm xưởng riêng. Thiều vui mừng: “Từ hai người tiên phong là mình và anh Nhung, cho đến nay đã có hàng chục cơ sở, đây cũng chính là điều mình mong muốn từ lâu. Sự sống dậy của cả làng nghề là thành công lớn nhất và cũng là phần thưởng lớn nhất cho những cố gắng đã bỏ ra. Mình vẫn còn rất nhiều những dự định và trong thời gian tới sẽ cố gắng thực hiện. Nhưng trước hết mình muốn đưa Phù Lãng thành điểm dừng du lịch để có thêm nhiều người biết đến”.

Khi đọc bài giới thiệu về làng nghề Phù Lãng, nơi quê của Thầy giáo Nguyễn văn Tương ở Châu Cầu dạy chị em tôi vào năm 1968-1970, Thầy Nguyễn Trọng Suất đã dạy toán cho tôi vào những năm 1971-1972, tôi sinh ra ở làng Phong Cốc, lớn lên tôi lên tỉnh học, mỗi khi được nghỉ ít ngày, tôi thường về ghé qua PL để xem lò gốm. Thầy đi dạy học ở xa, nên tôi không có điều kiện để gặp thầy, lòng vẫn nhớ mảnh đất thân thương và nhiều kỉ niệm. Hồi nhỏ, tôi hay ra bờ sông cầu kiếm những mảnh sành để liệng chơi trên mặt nước, chẳng biết nó đã có tự bao giờ, tầng tầng, lớp lớp, như hiện trong tôi kí ức thời gian, ở đó là bao lớp người dân quê tôi đã trải qua, bàn tay khéo néo đã làm ra biết bao sản phẩm gửi đi muôn phương, bằng ghánh bộ, bằng thuyền nan, thuyền “đinh” buồm cánh rơi, xe đạp…
Ngày xưa, tôi nghe người lớn nói là đi “đổi thổ”, đổi về là đủ thứ như thóc gạo, ngô, khoai sắn…Làng tôi ai mà có nhiều tiền thì hay lên PL để mua vàng làm của hồi môn cho con gái khi lấy chồng (không có tiệm vàng như bây giờ), mà cân bằng cân “tiểu li”, mà rất “thật”.
Đồ gốm thời đó ví như đồ dùng quy quý trong nhà, mà nhà nào cũng có, như chum vại đựng nước, hũ muối dưa, đựng mắm muối, làm tương… tôi cứ nghĩ là “chỉ có ở quê tôi mới có”, càng đi nhiều càng nhớ quê. “U” tôi đã kể -” ngày xưa, đình làng PL lớn, và đẹp lắm, lớn lên, tôi chỉ còn thấy trong chuyện kể ,Có lần tôi đọc cuốn ” Nghề đẹp tỉnh Bắc- Lê Tiến Thống chịu trách nhiệm xuất bản từ những năm bao cấp”, mới biết thêm về làng quê mình.
Giờ đây tôi đang sống ở TP. HCM , khi đi mua xắm đồ gốm, làm đồ dùng, đồ trang trí… Tôi chỉ tìm đồ gốm PL mà thôi, vì đó như gợi lại cho tôi trở về với quê hương yêu dấu của mình. Nhớ quê nhà, nhớ bến đò xưa, nhớ cây đa bên chợ Phù Lãng, đường đất trời mưa, chân đất vẫn không trơn vì có mảnh sành, nhớ bún riêu cua PL, nhớ tiếng nói khác biệt của riêng làng, dù chỉ cách có con sông cầu mà giọng nói rất riêng….Ôi trang viết nào mà tả hết nỗi nhớ quê hương. Hi vọng qua đây, tôi gặp hoặc liên lạc được với người quê tôi, thầy tôi sau bao năm xa cách.
Trong tôi, PL mãi là hình ảnh đẹp trong lòng, chỉ mong muốn rằng lớp lớp con người hôm nay, mai sau sẽ gữ lại, có lại những gì đã có, có nhiều “vàng”, từ nghề “vàng” của cha ông ta để lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét