Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Gốm Mỹ Hòa – An Giang

Lò nung gốm đen duy nhất hiện còn đỏ lửa ở ấp Mỹ Hoà, thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Chủ lò là ông Vũ Văn Thuận, đã trải qua nhiều gian nan để nghiên cứu phục hồi dòng gốm đen huyền của nền văn hoá khảo cổ học Óc Eo. Hiện ông đã đầu tư hơn 300 bộ khuôn để sản xuất gốm đen theo đơn đặt hàng. Tác phẩm ưng ý nhất của ông là chiếc bình trung bình miêu tả bao quát toàn cảnh quê hương An Giang, như miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, núi Thất Sơn, sông ngòi, bông lúa và con cá.
Gốm đen là một loại gốm có màu đen tuyền từ trong ra ngoài, được tạo thành từ một phương pháp nung chế đặc biệt, không sử dụng chất tạo màu nhân tạo. Đây là một sản phẩm độc đáo của An Giang, xét về phương diện văn hoá lịch sử cũng như về quá trình khai thác sử dụng nguyên liệu địa phương. Các nghiên cứu khoáng vật, bùn học và tảo học liên quan đến đất làm nguyên liệu sản xuất gốm đen Óc Eo được công bố gần đây (Sanderson et all, 2003; Bishop et all, 2004) cho thấy trên thực tế loại đất này chỉ tập trung trong các lòng sông đào cổ và các dòng kinh cổ thuộc thời kỳ văn hoá Óc Eo. Hệ thống các bến nước, kinh đào và sông đào cổ ở đồng bằng Sông Cửu Long đã được hình thành và khai thác rất sớm, từ các năm 365 – 275 trước Công nguyên đến các năm 430 – 515 sau Công nguyên. Tầng bùn đạt chất lượng sản xuất gốm đen tự nhiên chỉ lắng đọng bên trong các đường nước nhân tạo trong khoảng trước các năm 50 trước Công nguyên thuộc kỳ hải sâm Rạch Núi và sau năm 200 thuộc cuối kỳ hải thoái Óc Eo sang đầu kỳ hải sâm Đông Hải.
Loại gốm này được phát hiện lần đầu tại mương Chín Huệ trong vùng Lò Mo phía Nam núi Sam khi cải tạo con rạch Cần Thảo thành kinh Cần Thảo trong các năm 1980. Năm 1990, một nhóm nghệ nhân ở Mỹ Luông, trong đó có ông Thuận đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm loại gốm này. Đất làm gốm là loại bùn giàu silic tương tự như bùn Lò Mo, được khai thác trong dòng Lung Lớn phía Đông Ba Thê. Lung Lớn hay Lung Lạng là dấu tích còn lại của một sông đào cổ thời kỳ văn hoá Óc Eo, rộng khoảng 40 – 60 m, dài trên 11 km, chạy theo hướng Bắc Đông Bắc – Nam Tây Nam, từ thương cảng Óc Eo, nay thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đến tiền cảng Nền Chùa, nay thuộc xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang.
Đất để sản xuất loại gốm này là loại đất có thành phần trung bình đất mịn (nhỏ hơn 0,5 mm) gồm khoảng 77,6% bùn cơ học (clastic) pha lẫn ít nhiều mùn hữu cơ, và khoảng 12,4% trầm tích sinh học (biogenic) của các loài tảo đơn bào nước mặn, trong đó tỷ lệ tảo vỏ silic (diatoms) luôn cao gấp hai đến ba lần tảo vỏ vôi (foraminifers). Nhiệt độ tối ưu cho việc cắn màu đen tự nhiên của tổ hợp nguyên liệu trong khoảng 350 – 380oC, thời gian dưỡng màu 3 ngày trong áp suất hơi nước tối thiểu 4 atmosphere, sau đó nung lên trong khoảng 760 – 840oC để có gốm xốp thấm nước hay gốm xốp kín nước với màu đen tự nhiên.
Hiện quy trình sản xuất gốm đen và công tác tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ khu vực Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang đã hoàn chỉnh, Trung Tâm Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ thuộc Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường tỉnh An Giang đã sản xuất thành công hàng gốm đen mỹ nghệ với nhiều mẫu mã như: bộ tượng Phước – Lộc – Thọ, Thần Voi, Phật Di Lạc và sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Các sản phẩm mỹ nghệ gốm đen An Giang là sản phẩm đặc trưng độc đáo của cả vùng châu thổ sông Cửu Long.
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét