Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Gốm cổ truyền Khmer – An Giang

Gốm cổ truyền Khmer – An Giang
Nghề làm gốm thủ công của người Kmer Nam Bộ
Nghề làm gốm thủ công của người Kmer Nam Bộ
Hầu như phần lớn các gia đình dân tộc Khmer ở sóc PhnomPu (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đều tham gia chế tác gốm. Nghề gốm ở đây có quy mô nhỏ theo hộ gia đình. Nghề làm gốm thường được tiến hành vào thời điểm nông nhàn, thường là vào mùa khô và do phụ nữ đảm nhiệm các công đoạn.
Đất làm gốm thường được khai thác dưới chân núi Nam Quy, cách sóc hơn 1 km. Theo bà con Khmer thì ở Tri Tôn chỉ có đất ở ven núi Nam Quy mới làm được đồ gốm. Đó là một loại đất sét xám, pha nhiều cát mịn, đào những hố sâu xuống 1,5 m thì gặp lớp đất sét làm gốm. Đất khai thác làm gốm sau khi mang về nhà được luyện kỹ trên một tấm gỗ hoặc đá nhằm loại bỏ các hạt sạn và sỏi cũng như làm tơi mịn. Tiếp theo, người ta đem nhồi đất với nước theo một tỷ lệ nhất định để cho quánh và dẻo nhưng không được ướt quá hay khô quá vì như thế sẽ khó tạo hình cho gốm. Công việc tạo hình gốm đòi hỏi sự khéo léo của những người phụ nữ lớn tuổi và có kinh nghiệm. Sản phẩm gốm ở Tri Tôn khá đa dạng như các loại nồi, ấm, choã, bếp, lu, vại… nhưng đặc biệt nhất là cà ràng và ống khói lò nấu đường thốt nốt. Cà ràng Tri Tôn khá nổi tiếng và là một mặt hàng bán chạy. Cà Ràng vốn là tiếng Khmer, tên gọi một loại bếp lò độc đáo vừa bao gồm nơi nấu với 3 ông táo, gắn với một thân đáy chịu lửa hình số 8 dùng đun củi, cời than. Bếp nấu cà ràng khá linh hoạt, có thể để trên sàn nhà bằng tre nứa, ván gỗ; có thể để ngay trên ghe thuyền mà không sợ bị cháy mặt sàn, gọn nhẹ và dễ di chuyển. Để tạo hình cà ràng và các loại sản phẩm, người thợ gốm dùng tay nắm đất sét định hình cơ bản đồ vật. Tiếp đó người thợ dùng một cây gỗ mỏng, bề mặt rộng 3-5 cm (tiếng Khmer gọi là sđâm) kết hợp với một hòn nống hình quả cam có nút cầm, gọi là kaleng, căng sản phẩm từ phía bên trong. Nhờ vừa nóng vừa dập nhẹ từ 2 phía trong, ngoài mà sản phẩm có độ dày đồng đều, cân đối. Sau khi dùng tay ướt vuốt phẳng, người thợ gốm dùng lá nốt chuốt láng mặt ngoài hoặc bẻ miệng sản phẩm theo ý muốn. Một số loại sản phẩm như nồi, ấm, chõa… sau khi tạo dáng sản phẩm, người thợ còn dùng các bàn in hoa văn trang điểm. Điểm đáng chú ý trong kỹ thuật chế tác gốm của người Khmer ở Tri Tôn là không dùng kỹ thuật bàn xoay để tạo hình. Đây cũng là kỹ thuật làm gốm khá nguyên thuỷ còn bảo lưu ở một số ít dân cư các dân tộc ở nước ta. Quá trình định hình và hoàn thiện sản phẩm gốm được tiến hành trên một mặt bàn nhỏ trong vườn. Gốm nung có màu đỏ nhạt hoặc vàng sậm, độ nung thấp. Các thương gia sẽ đi từng nhà gom các sản phẩm gốm chở đi buôn bán các nơi. Đồ gốm của Tri Tôn không chỉ bán ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ mà còn sang tận Campuchia, cạnh tranh với đồ gốm KôngPôngChnăng (là nơi sản xuất gốm nổi tiếng), chất lượng sản phẩm gốm của người Khmer Tri Tôn được nhiều nơi ưa thích.
Hiện nay nghề làm gốm của người Khmer ở Tri Tôn có chiều hướng giảm sút và mai một, nhiều gia đình từ lâu không còn làm gốm, một số hộ làm cầm chừng. Nguyên nhân do giá thành rẻ, không “kinh tế” bằng các nghề khác và luôn bị các thương gia ép giá. Gần đây, một số nhà nghiên cứu nước ngoài như Mỹ, Nhật đã đến Tri Tôn tìm hiểu và nghiên cứu nghề gốm. Vì vậy, nghề gốm của người Khmer ở Tri Tôn cần có sự quan tâm, nghiên cứu và bảo vệ nhằm phục vụ cho mục đích văn hoá, khoa học, du lịch và xuất khẩu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét